Cách lên kế hoạch tìm việc trong 3 tháng cho tân cử nhân
Bảng này không những giúp bạn chuẩn bị được những thông tin cần thiết mà còn giúp bạn rút ngắn thời gian để tìm hiểu về công ty hơn.
Công tác tư tưởng
Nếu bạn vẫn đang chưa tìm được việc vào thời điểm này, điều đầu tiên cần làm là công tác tư tưởng. Đồng ý rằng ngoài kia có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp – nhưng công việc trên thị trường không hiếm đến thế. Chỉ cần bạn dành 100% công sức vào quá trình tìm việc + tìm việc một cách có chiến lược cụ thể, chắc chắn bạn sẽ không thể thất nghiệp được đâu.
Vậy nếu bạn đã kết thúc hoàn toàn việc học, hãy tự tạo cho mình một hợp đồng ngắn hạn trong 3 hoặc 6 tháng, gọi là hợp đồng làm việc full-time tại nhà để tìm việc. Trong thời gian 3-6 tháng tới, tưởng tượng như bạn cũng đang làm một công việc full-time tại nhà, và công việc đó có mục đích cuối cùng là để giúp bạn tìm việc.
8 tiếng mỗi ngày bạn sẽ làm gì?
Theo lời khuyên của cô Phoenix Ho – Career Manager tại ĐH RMIT trong cuốn sách mới nhất của cô “Cứ đi để lối thành đường” – bạn nên phân chia thời gian trong ngày của mình như sau, để có được một chiến lược tìm việc hiệu quả.
30 phút tập thể dục mỗi ngày: Tập gym, đá cầu, đá bóng, chạy bộ – nhấc mông và khiến cơ thể di chuyển giúp cho chúng ta năng động hơn, nhiều năng lượng hơn.
30 phút tìm hiểu về bản thân: Nếu bản thân mình còn chưa biết mình thích gì, thì làm sao bạn có thể mong tìm được công việc mà mình mơ ước?
90 phút tìm hiểu thị trường tuyển dụng: Gồm nhiều cách như tìm thông tin trên Internet, tham dự các buổi Career Fair, Networking, đi nghe các diễn giả giỏi trong ngành thuyết trình.
60 phút rèn luyện kĩ năng: Không phải cứ không đi học nữa thì chúng ta sẽ vứt hết sách vở. Chúng ta vẫn cần phải trau dồi các kĩ năng chuyên môn bằng cách đọc thêm sách, lên mạng tìm các bài viết về chủ đề đó. Và đặc biệt là vẫn phải luyện tiếng Anh mỗi ngày.
90 phút nộp đơn tìm việc: Bạn rành ra 2 tiếng mỗi ngày để sửa lại CV, viết lại Cover Letter, ứng tuyển bằng cách gửi email, gửi message trên LinkedIn, nộp trực tiếp trên Vietnamwork, CareerBuilder, vân vân.
120 phút nghỉ ngơi: Đi ăn, đi chơi, xem phim – đừng quá áp lực.
60 phút làm việc nhà: Trước khi nghĩ đến những công việc to tát hơn ngoài xã hội, chúng ta cần phải chăm chút cho công việc nhà trước đúng không nào? Giúp bố mẹ rửa bát, lau nhà, dọn lại phòng ốc sạch sẽ, thể hiện với bố mẹ là mình đã lớn rồi, đã có trách nhiệm rồi.
Một bảng kế hoạch mẫu
Đây là một bảng thời gian biểu mẫu mình từng áp dụng cho bản thân trong quá trình tìm việc, bạn hiền có thể tham khảo và điều chỉnh lại sao cho phù hợp nhất với lịch học tập và sinh hoạt của bản thân.
9 giờ sáng: Hiểu về bản thân
Như mình đã nói ở trên, chúng ta có vẻ đang sống vội, sống gấp gáp quá – ra trường nháo nhào đi tìm việc ngay, thấy việc gì lương lậu ổn, nghe tên hay hay là phải nộp đơn ngay – mà quên mất việc tìm hiểu xem nó có phù hợp với bản thân không.
Vậy thì mình nên dành thời gian khởi đầu mỗi ngày để tìm hiểu về bản thân trước. Hãy dành thời gian đọc và làm các bài test để khám phá bản thân. Tuấn Anh thấy có 2 tài liệu rất hay các bạn có thể đọc tham khảo là bộ Personal Brand Workbook của PwC và các bài viết trong chuyên mục Hiểu về bản thân của 8morning, các bạn có thể đọc kinh nghiệm của những người đi trước, từng bước từng bước một hiểu hơn về bản thân mình.
Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo Các bài test hướng nghiệp miễn phí để xem kết quả nói gì về mình. Và để khách quan hơn nữa, hãy thử tự tạo một bản Phỏng vấn 360 độ để xem những người xung quanh nghĩ gì về bản thân nhé.
10 giờ sáng: Viết lại CV và Cover Letter
Một nguyên nhân khiến các bạn tìm việc chưa hiệu quả đó là chúng ta chưa đầu tư đúng thời gian và công sức và CV và Cover Letter. Vấn đề dễ nhìn thấy nhất là chúng ta xem nhẹ tầm quan trọng của những hồ sơ ứng tuyển này, vì vậy mỗi khi cần chúng ta lại download một mẫu qua loa ở đâu đó, điền vào những thông tin cần có và đi rải đơn khắp nơi.
Vậy hãy dành 1 tiếng mỗi ngày để viết lại CV và Cover Letter cho từng công việc nhé. Mục đích của CV và Cover Letter là gì? Đó là giúp bạn đến được với buổi phỏng vấn cùng nhà tuyển dụng. Vậy thì chúng ta phải làm thế nào để ‘khoe’ ra được các kĩ năng, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm của mình đang có mà phù hợp với vị trí mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Đây là một tài liệu rất hay để bạn dựa vào và bổ sung thêm các điểm còn thiếu hoặc chưa chuẩn vào trong CV.
11 giờ trưa: Gặp gỡ những người nhiều kinh nghiệm hơn
Cách nhanh và thực tế nhất để tìm hiểu được những kiến thức, thông tin trong lĩnh vực mà bạn đang có dự định làm việc đó là gặp gỡ các anh chị đang làm việc, hoạt động trong lĩnh vực đó.
Có nhiều cách để bạn có thể kết nối với họ lắm nhé. Hãy tham gia các buổi Networking Lunch (tìm các anh chị Alumni trong trường xem có buổi nào như thế chưa, nếu chưa thì tự đứng ra tổ chức một buổi, các anh chị alumni cũng muốn kết nối với nhau lắm chứ bộ).
Ngoài ra, bạn có thể lên Facebook, vào mục Event và Group để search các Event và Group có liên quan đến lĩnh vực mà mình đang có ý định làm việc, tìm hiểu thêm. Ví dụ muốn thành một Marketer thì hãy chịu khó đi nghe những buổi hội thảo, chịu khó tìm các group về Marketing và Communication ấy. Muốn làm việc ở nhà hàng khách sạn thì hãy tìm những buổi ngày hội nghề nghiệp, những group tập hợp các anh chị đang làm việc trong lĩnh vực đó. Hãy bỏ tiền ra đầu tư, mua vé tham dự những chương trình này nhé. Đừng tiếc một số tiền nhỏ chỉ bằng một buổi bạn đi cafe hay xem phim, nhưng có thể mang lại cho bạn nhiều mối quan hệ.
1 giờ chiều: Update mạng xã hội một xíu nhỉ
Sau giờ ăn trưa là sẽ buồn ngủ lắm, vậy nên chúng ta nên làm gì đó nhẹ nhàng có hứng thú hơn để khởi đầu buổi chiều hiệu quả nhỉ? Tip của Tuấn Anh là các bạn hãy dành thời gian update lại một chút cho Facebook và LinkedIn của mình nhé. Thời đại công nghệ thông tin rồi nên khi nhà tuyển dụng nhận CV của bạn, họ rất hay lục lọi săm soi xem Facebook hay LinkedIn của bạn có gì hay ho không đó. Bạn có thể tham khảo bài ‘5 phút làm sạch Facebook gây ấn tượng với nhà tuyển dụng’ này hay ‘12 tips để sử dụng LinkedIn tìm việc hiệu quả hơn‘.
Sau khi đã update thêm thông tin trên LinkedIn và Facebook, bạn có thể dành thời gian update tin tức một xíu. Muốn trở thành một ứng viên sáng giá trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần thể hiện được là mình có nhiều sự am hiểu không những về chuyên môn mà còn về ‘trends’ hiện nay cũng như các tin tức xã hội gần đây. Ví dụ gần đây có vụ Brexit nghĩa là gì, có thể có ảnh hưởng như thế nào đến công việc của chúng ta, thử tìm hiểu xem nhé.
Bạn có thể tải app LinkedIn Pulse về điện thoại để đọc, trên Facebook thì hãy chịu khó follow Facebook các anh chị nổi tiếng trong ngành, các group chuyên môn nữa. Chăm chỉ đọc, like, comment với các post của các anh chị đó để tương tác nhiều hơn nhé. Ngoài ra nếu bạn đã tự tin tương tác đủ, hãy gửi cho họ một tin nhắn, inbox xem sao, biết đâu họ có thể trở thành mentor cho bạn.
2 giờ chiều: Tham gia một sự kiện chuyên môn
80% các công việc hot hiện nay được tuyển qua các mối quan hệ cá nhân hoặc qua sự giới thiệu của những người làm cùng công ty. Điều đó có nghĩa là, mạng lưới chuyên nghiệp của bạn càng rộng thì cơ hội tìm được công việc càng cao. Đừng chỉ giới hạn bản thân ở các trang web tìm việc hay các tin tức tuyển người trên mạng xã hội nhé.
Hãy cố gắng mở rộng mạng lưới chuyên nghiệp của bản thân với nhiều người nhất có thể. Cũng không nhất thiết lúc nào cũng follow những người chỉ giỏi trong lĩnh vực của mình. Bạn cũng có thể follow một diễn giả giỏi, một nhà báo nổi tiếng, một anh chị nào đó trong lĩnh vực hướng nghiệp mà bạn yêu thích chẳng hạn. Ví dụ nếu bạn tham gia một buổi networking và bạn muốn làm việc trong lĩnh vực Marketing, đừng lúc nào cũng chỉ tìm những người làm Marketing và bắt chuyện. Hãy cùng trò chuyện với những người ở lĩnh vực khác, vì biết đâu bạn bè của họ lại đang cần tìm một người như bạn thì sao.
3 giờ chiều: Lên danh sách những công ty bạn muốn nộp đơn
Việc nộp đơn ứng tuyển sẽ rất kém hiệu quả và dễ làm bạn bị rối nếu bạn không lên một kế hoạch rõ ràng xem mình sẽ nộp những công ty nào, theo dõi hồ sơ công ty đó như thế nào.
Chiến lược mình hay sử dụng là dùng Google Spreadsheet hoặc Excel lập ra một bảng kế hoạch các công ty mình có ý định ứng tuyển và dựa vào đó để biết được khi nào công ty đó tuyển dụng, cần liên hệ với ai, deadline các công việc ra sao và các ghi chú khác về công ty đó. Bảng này không những giúp bạn chuẩn bị được những thông tin cần thiết mà còn giúp bạn rút ngắn thời gian để tìm hiểu về công ty hơn.
4 giờ chiều: Ngâm cứu về các công ty
Nếu bạn đã có list khoảng 12-15 công ty mà bạn muốn làm việc ở đó rồi, thì hãy dành khoảng thời gian tiếp theo để ngâm cứu về công ty đó. Bạn sẽ gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng nếu trong Cover Letter, CV và buổi phỏng vấn bạn thể hiện được những hiểu biết về công ty mà ứng viên khác không biết.
Vậy trong 1h tiếp theo, hãy chọn ra 5 công ty mà bạn muốn tìm hiểu, sau đó thử tìm kiếm các thông tin sau về công ty: Vision, Mission, tình trạng tài chính, khách hàng đánh giá như thế nào về công ty, văn hoá công ty như thế nào, đang đứng thứ mấy trên thị trường, đối thủ của công ty là ai, vân vân.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết này: Tìm gì về công ty trước khi đi phỏng vấn?
Sau 5 giờ chiều: Nghỉ ngơi và trau dồi kiến thức!
Nếu bạn đã dành cả một ngày để tìm hiểu bản thân, tìm hiểu công ty và ứng tuyển cho các vị trí rồi thì hãy dành khoảng thời gian cuối ngày để nghỉ ngơi nhé. Tự thưởng cho bản thân một bữa ăn ngon, chơi một trò chơi yêu thích hoặc dành thời gian đọc sách để tự tăng vốn kiến thức cho bản thân hen.
Tìm việc là cả một quá trình dài, không phải là ngày một ngày hai. Tuy nhiên chỉ cần các em nỗ lực 100% cộng với tìm tòi một cách có chiến lược, chắc chắn sẽ không khó để kiếm được một công việc tốt đâu.
Leave a Reply